第十六课
话说 “慢点儿”
BÀN VỀ "CỨ TỪ TỪ"
Lúc vừa đến Trung Quốc tôi mới 18 tuổi. Vì tuổi còn nhỏ nên không hiểu biết lắm. Tôi có một tật xấu, chính là cứ lo lắng là tim lại nhảy lên, hơn nữa còn đập vô cùng mạnh. Tôi nghĩ tật xấu này chắc là liên quan đến tính cách dân tộc mình. Ở nước tôi, câu nói mọi người hay dùng nhất chính là: "Nhanh lên, nhanh lên!". Mười tám năm cuộc đời, câu tôi nghe nhiều nhất cũng là "Nhanh lên! Nhanh lên!". Có thể nói là tôi lớn lên dưới sự thúc giục của câu nói này, "Nhanh lên" quả thật đã trở thành câu cửa miệng của chúng tôi.
Song, đến Trung Quốc không lâu tôi đã phát hiện, rất ít người nói nhanh lên. Thông thường câu tôi hay nghe lại là câu ngược lại: "Cứ từ từ!". Tôi thấy thật kỳ lạ, cũng chẳng hiểu nổi. Tôi cho rằng "chậm" chính là "lười", vậy là tôi cứ nghĩ, người ở đây sao lại "lười" như vậy?
Sau này đã xảy ra một chuyện làm thay đổi suy nghĩ của tôi.
Đó là vào mùa đông năm ngoái, một người bạn học ở Đại học Thanh Hoa gọi điện rủ tôi đi chơi, cúp điện thoại xong tôi liền vội vội vàng vàng đạp xe đi. Nhưng đến trước cổng trường thì bánh xe lại bị hỏng, may mà ở gần đó có một tiệm sửa xe, tôi liền đẩy xe vào. Thợ sửa xe là một người lớn tuổi. Tôi vừa vào đã kêu: "Bác ơi, xe đạp của cháu bị hỏng, bác sửa cho cháu nhanh một chút nhé." Tôi nói liền một mạch, bác sửa xe chỉ nhìn tôi một cái, chẳng nói chẳng rằng, rồi lại tiếp tục sửa cái xe trong tay. Tôi nhìn nhìn đồng hồ, không còn sớm nữa, cuống chết đi được, thế là lại nói với bác thợ: "Bác có thể nhanh hơn chút được không ạ?" Lần này bác ấy quay lại nhìn tôi bảo: "Đừng vội, cháu không thấy bác đang sửa xe cho người khác à? Ở đây không chỉ có mình cháu, phải có thứ tự trước sau chứ. Cháu đợi thêm một chút, bác sửa xong cho khách rồi sẽ lập tức sửa cho cháu." Tôi chỉ đành đợi tiếp.
Khó khăn lắm mới đợi được bác thợ sửa xong cho vị khách kia, bác lau tay rồi qua hỏi tôi: "Rốt cuộc là bị hỏng chỗ nào?" Tôi đáp: "Không đạp được ạ." Bác ấy xem xét cái xe rồi lấy công cụ tháo lốp xe ra, bảo: "Có thể là bị hỏng lốp rồi." Sau đó xả khí rồi ngâm lốp xe vào một chậu nước, cẩn thận kiểm tra. Bác ấy làm vừa chậm vừa kĩ, còn thở dài, chắc là không dễ rò được lỗ thủng rồi.
Tôi thấy cái dáng vẻ chậm rì rì của bác ấy, lại nóng vội: "Sao bác chậm quá vậy, nhanh lên chút không được sao?". Bác ấy ngừng việc rồi nói với tôi: "Cô gái à, cháu đã nói 3 lần rồi đấy, chẳng lẽ bác lại không muốn nhanh?". Tôi không hiểu bác ấy nói gì, đành nhìn chằm chằm bác ấy. Bác thấy tôi tức giận, bèn cười từ từ nói: "Cháu muốn bác sửa cẩn thận cho cháu, hay muốn bác làm qua loa nhanh chóng rồi để cháu đi?" Đến lúc này tôi mới hiểu lời bác, bèn không giục nữa, còn bắt chước ngữ điệu người Bắc Kinh nói một câu: "Được rồi, bác cứ từ từ đi ạ!"
Sau khi bác thợ sửa xong lốp xe, lại cẩn thận kiểm tra lại các bộ phận khác, rồi mới hài lòng nói với tôi: "Xong rồi!". Lúc tôi ra khỏi tiệm sửa xe, bác ấy lại bảo: "Ngoài kia tuyết đang rơi, đường trơn lắm, cứ đạp từ từ thôi nhé!". Mắt thấy một mảng tuyết trắng, tai nghe lời dặn của bác thợ, lòng tôi lập tức thấy ấm áp hẳn.
Sau này, tôi vẫn thường xuyên nghe được những câu nói thân thiết như: "Cứ đi từ từ nhé!", "cứ từ từ, đừng vội!" vân vân. Cuối cùng tôi cũng hiểu ra, đây đâu phải là nói người ta lười chứ. Rõ ràng là lời dặn dò thông thường giữa người thân mà!
Một câu "cứ từ từ" không chỉ có ý nhắc nhở con người ta làm việc cần chăm chỉ nghiêm túc, mà còn là sự yêu quý và quan tâm với người khác từ tận đáy lòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét