第二十课
什么最重要
CÁI GÌ QUAN TRỌNG NHẤT
Bành Nghệ Vân là du học sinh Trung Quốc ở Anh. Một hôm, cô đi phỏng vấn ở Đại học Oxford, cô ăn mặc rất giản dị, cũng không đeo trang sức. Bạn bè khuyên cô: "Thi vào một trường quý tộc nổi tiếng nhất thế giới mà người phỏng vấn còn là giáo sư Archer nổi danh quôc tế như thế này, bộ dạng cậu làm sao có thể tạo ấn tượng tốt ban đầu cho người ta được?"
"Vốn dĩ tớ đâu phải quý tộc gì, hà tất phải giả bộ như quý tộc chứ? Hơn nữa, có thi đỗ hay không, là dựa vào kiến thức và tài năng, không phải quần áo." Sự tự tin của cô làm bạn bè cảm thấy rất có lý. Song, điều làm người ta kinh ngạc là, lúc phỏng vấn cô lại tranh luận với giáo sư Archer, giáo sư đã rất tức giận.
"Bạn cho là mình có thể thuyết phục tôi à?" Giáo sư nói to.
"Tất nhiên là không, bởi vì lúc em còn chưa ra đời, thầy đã là bác sỹ tâm lý nổi tiếng rồi." Bành Nghệ Vân trả lời không chút yếu thế: "Nhưng thí nghiệm thì có thể. Mà nếu không có người làm những thí nghiệm đó, thì vĩnh viễn cũng không ai biết được em với thầy ai đúng ai sai."
"Đó là phương án thí nghiệm của bạn à? Tôi có thể lập tức chỉ ra những lỗi sai của nó."
"Chuyện này chỉ có thể chứng tỏ phương án thí nghiệm của em còn chưa đủ hoàn thiện. Nếu thầy nhận em làm học trò, tất nhiên sẽ có thể sửa cho nó hoàn thiện hơn."
"Bạn nghĩ là tôi sẽ nhận hướng dẫn một nghiên cứu sinh có ý kiến phản đối tôi sao?"
"Đúng vậy, đúng là em nghĩ như vậy." Bành Nghệ Vân cười cười, "Nhưng sau khi tranh luận với thầy, em đã biết Đại học Oxford sẽ không nhận em rồi."
"Sao bạn lại chọn môn "trị liệu hành vi" này? Sao lại muốn tôi làm người hướng dẫn của bạn?"
"Sách của thầy có viết là: "Mục đích của việc trị liệu hành vi, là giúp cho những người đang phải chịu nỗi đau trong tâm hồn có thể trở về cuộc sống bình thường, từ đó được hưởng thụ hạnh phúc và quyền lợi của một người bình thường." Nói thật là em không tán thành lý luận của cuốn đó lắm, nhưng em đồng ý với câu nói này. Em nghĩ sự bất đồng quan điểm của chúng ta chỉ là làm sao để làm tốt hơn, làm thế nào mới có thể điều trị cho bệnh nhân tốt hơn."
"Cảm ơn em, Bành Nghệ Vân, em có thể ra về rồi."
"Cảm ơn thầy, giáo sư Archer, tạm biệt!"
Bành Nghệ Vân vô cùng hy vọng có thể làm học trò của giáo sư Archer. Không chỉ bởi vì giáo sư Archer là giáo sư tâm lý học nổi tiếng quốc tế, mà làm học trò của ông đều có học bổng. Bành Nghệ Vân không trả nổi khoản học phí mấy ngàn Bảng Anh, nhất định phải tranh thủ đạt được học bổng, bằng không cô không thể học tiếp được nữa. Nhưng giáo sư Archer yêu cầu học sinh rất nghiêm khắc, ông cứ tuyển chọn nhiều lần song 4, 5 năm mới nhận được 1, 2 người. Bạn bè đều lo lắng cho Bành Nghệ Vân, lại phê bình cô không nên tranh luận với giáo sư, "Học bổng quan trọng với cậu như vậy, cậu cũng biết rõ giáo sư Archer vô cùng nghiêm khắc, sao còn cãi lại thầy ấy chứ?"
Cô chỉ cười bảo: "Nếu cậu không yêu một cô gái thì có thể vì tiền mà ngỏ lời yêu với cô ta không?"
"Chuyện này tất nhiên là khó!" Người bạn thừa nhận, "Nhưng cậu..."
"Thế thì trong khoa học, làm trái lương tâm mà tán thành một quan điểm bản thân cho là sai lại càng khó hơn. Giả dụ cậu lừa tình người ta, thì người bị hại chỉ có một; nhưng nếu là lừa dối trong khoa học, chỉ vì tiền mà không kiên trì với quan điểm đúng đắn, thì người bị hại chính là hàng ngàn hàng vạn bệnh nhân. Tớ nghĩ, nếu như tớ làm vậy, thì đời này sẽ phải chịu sự trừng phạt của lương tâm." Cô nói, "Một người làm nghiên cứu khoa học, điều quan trọng nhất là phải dũng cảm kiên trì với chân lý, dũng cảm giữ vững quan điểm của mình. Dĩ nhiên cũng phải dũng cảm sửa chữa sai lầm."
Phỏng vấn đã có kết quả rồi.
Hội trường đông nghịt người. Vị thư ký tuyên bố: "Người được giáo sư tiến sĩ Archer nhận hướng dẫn là một học sinh người Trung Quốc của trường Đại học Luân Đôn - cô Bành Nghệ Vân!"
Giáo sư Archer đứng dậy, ông đến bên cạnh Bành Nghệ Vân, nói với cô trước mặt mọi người: "Con ngoan của thầy, em thấy đó, thầy và em tranh luận hai tiếng đồng hồ, thầy vẫn quyết định chọn em. Em có biết vì sao không? Thầy thích sự thẳng thắn và chân thành của em, cũng tán dương lòng dũng cảm của em. Thầy muốn em trở thành học trò của thầy, là để em dưới sự ủng hộ của thầy, có thể hết mình phản đối luận điểm của thầy. Nếu sự thực chứng minh em sai, thầy đương nhiên sẽ rất vui vẻ; nếu hai ta đều đúng, thầy sẽ càng vui hơn; nếu em đúng mà thầy sai, ha ha, em sẽ không tưởng tượng được là thầy vui biết nhường nào đâu! Đúng vậy, lúc em còn chưa ra đời, thầy đã là nhà tâm lý học rồi, nhưng thầy hy vọng khi thầy ra đi, em có thể trở thành nhà tâm lý học còn giỏi hơn, xuất sắc hơn thầy. Chỉ như vậy, thế giới này mới có hy vọng."
Bành Nghệ Vân cảm động sâu sắc.
Cô cuối cùng cũng thực hiện được ước mơ của mình, trở thành nghiên cứu sinh của giáo sư Archer, được vào học trường Đại học Oxford mà cô ngưỡng vọng đã lâu.