Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

[Review] XẤU HỔ HAY DỄ THƯƠNG - AWKWARD OR CUTE


Awkward Or Cute là tuyển tập những confession về những câu chuyện đáng nhớ được họa sỹ Chucky chuyển tải thành tranh. Cả tập truyện là những khoảnh khắc khó quên, hoặc xấu hổ hoặc dễ thương. Đến với Awkward Or Cute, ta như lạc vào những ký ức của tuổi thơ, những giây phút rung động trước một ai đó, hoặc đơn giản là con tim lạc điệu trước một ánh mắt, một hành động, đan xen là những nỗi buồn, những sự tiếc nuối, những tủi hờn, những xấu hổ... Trái tim như được mở cửa, để kỉ niệm xưa ùa về, rồi ta lại ngẩn ngơ mà lẩm nhầm: "À thì ra mình cũng từng có những khoảnh khắc như vậy."


Với nét vẽ dễ thương cuốn hút của họa sỹ, ta đã được đến với cách kể chuyện không lạ nhưng hấp dẫn. Giọng văn độc giả mỗi người mỗi khác, tạo nên tính chân thực cho câu chuyện, tuy không hề trau chuốt song lại những con chữ viết từ đáy lòng. Ngoài việc thể hiện câu chuyện chính, họa sĩ còn tự thêm "background" vô cùng đáng yêu là những câu cửa miệng của giới teen hay những hiện tượng đang nổi. Những hashtag hay các comment hay ho của chính độc giả cũng làm ta phải phì cười. 

Túm cái quần, Awkward Or Cute là cả một bầu trời dễ thương điểm xuyết một vài áng mây xấu hổ. Đây là một cuốn truyện nên đọc để được lên chuyến tàu trở về với những kỉ niệm đáng nhớ của một hồi "trẩu tre" mà ai cũng từng trải qua.

[Review] CĂN HỘ SỐ 203 - KAMON NANAMI


CĂN HỘ SỐ 203
Tác giả: Kamon Nanami
Dịch giả: Nguyễn Phương Chi
NXB Văn Học
Năm xuất bản : 2017


Căn hộ số 203 là câu chuyện về cô gái trẻ Okimuya Kiyomi - một sinh viên từ tỉnh lẻ lên học đại học và thuê nhà tại một khu chung cư ở Tokyo. Sau đó cô gái trẻ đã liên tiếp gặp phải những chuyện kỳ lạ trong căn hộ của mình: Mùi hôi lạ bay khắp phòng, rèm cửa đong đưa dù không có gió thổi, tiếng bước chân rầm rập trên trần, hơi ấm trên sàn, ruồi nhặng và những vết ố... Kiyomi luôn tự nói với mình rằng chỉ là ảo giác, nhưng dần dà các hiện tượng lạ càng lúc càng dày đặc khiến cô không thể tự thôi miên bản thân được nữa.

Nếu coi Căn hộ số 203 là một tiểu thuyết kinh dị thì cuốn truyện này không gây ra quá nhiều sự sợ hãi. Bối cảnh truyện gần như gói gọn trong kiểu căn hộ truyền thống ở Nhật, một căn chung cư với diện tích 6 thước nhỏ gọn và ẩm thấp, với một vài khung cảnh kinh điển khác như những trung tâm mua sắm lớn tấp nập, tàu điện chật ních và cửa hàng tiện lợi mở 24/24. Những hiện tượng kì lạ tác giả vẽ ra không mang quá nhiều máu me hay dấu ấn của quỷ dữ mà gắn liền với sinh hoạt đời thường: tiếng bước chân, hơi ấm, chai nước đổ, gió thổi, giấc mơ nửa hư nửa thực... Chính cách miêu tả ấy lại mang đến cho người đọc sự gần gũi xen lẫn hồi hộp, dường như là điều có thể xảy đến bất cứ lúc nào với bất kỳ người nào. Nếu người đọc từng có điều kiện đi du lịch hay từng sống ở đất nước Nhật Bản thì ắt hẳn sẽ có cảm giác vô cùng quen thuộc với các chi tiết của tác phẩm. Xét yếu tố kinh dị, Căn hộ số 203 không quá đặc sắc, chỉ có thể gây cho người đọc nỗi sợ nho nhỏ, kết thúc cũng là mô típ quen thuộc của truyện kinh dị, quen thuộc tới mức hụt hẫng.

Tuy nhiên xét về khía cạnh tâm lý xã hội thì Căn hộ 203 phản ánh một hiện tượng không mới nhưng chưa bao giờ hạ nhiệt: Đó là hiện tượng vô cảm của xã hội đô thị hiện đại. Xã hội càng phát triển thì khoảng cách giữa người với người càng to lớn. Đó không chỉ là khoảng cách về vật chất mà quan trọng hơn là khoảng cách giữa những tâm hồn. Bao trùm cuốn tiểu thuyết là không khí cô đơn đến tột cùng của cô sinh viên trẻ. Giữa trung tâm thương mại Shinjuku tràn ngập người qua lại, nhưng cô lại như vô hình. Mệt mỏi rã rời trước những hiện tượng lạ trong phòng, Kiyomi đã từng cầu cứu từ cậu trai cô có cảm tình ở trường đại học đến cô bạn gái cùng làm ở chỗ làm thêm hay thậm chí là cả mẹ ruột của mình, nhưng chẳng ai chìa tay cho cô cả. Ngay chính Kiyomi cũng tự thôi miên mình bằng câu thần chú “Không để ý. Không quan tâm” trước những thế lực tà ý, để rồi chẳng thể vãn hồi.