Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

[Review] La Maison En Petits Cuber - NGÔI NHÀ TRÊN NHỮNG KHỐI LẬP PHƯƠNG



La Maison En Petits Cubes là một bộ phim hoạt hình ngắn nhưng mang ý nghĩa không nhỏ. Chỉ với 12 phút đồng hồ, bộ phim đã mang đến cho người xem một loạt cảm xúc đặc biệt về thời gian, về quá khứ, về tình yêu, về cuộc sống…

La Maison En Petits Cubes được dịch là Ngôi nhà trên những khối lập phương. Bộ phim là một câu chuyện về hành trình tìm lại ký ức của một ông lão cô đơn qua từng tầng nhà. Mở đầu bộ phim là một loạt khung ảnh treo trên tường. Đó là những bức ảnh gia đình vợ chồng con cái đầy ấm cúng. Nhưng tương phản với cái ấm cúng của những bức hình là hình ảnh một ông lão ngồi một mình trong căn phòng. Tiếp theo là những hình ảnh sinh hoạt hàng ngày của ông lão. Đó là một cuộc sống đơn điệu và tẻ nhạt. Ông lão mỗi ngày đều câu cá, ăn cơm, xem tivi và ngủ trong một căn phòng nhỏ. Mọi việc ông làm đều là một mình. Làm bạn với ổng chỉ có một tẩu thuốc. Bữa cơm – hình ảnh của sự đoàn viên giờ lại chỉ có một đĩa thức ăn và một ly rượu vang gợi lên một sự cô đơn lặng lẽ. Khung cảnh bên ngoài bao bọc bởi tầng nước xanh xám,. Các ngôi nhà chìm ngập trong nước, chỉ còn những nhà cao nổi lên những cái chóp lác đác. Khung cảnh ấy tạo cho người xem một cảm giác cô quạnh khó tả.

Một ngày kia, ông lão thức dậy và phát hiện nước đã dâng lên đến tầng cao nhất mà ông ở. Ông lão tự xây thêm một tầng nữa và chuyển đồ đạc lên. Trong quá trình vận chuyển, ông đã đánh rơi tẩu thuốc. Chiếc tẩu thuốc cũ xuyên qua làn nước và mất hút ở tầng dưới. Có lẽ người xem sẽ nghĩ đó chỉ là một tẩu thuốc cũ, mất rồi thì mua cái khác. Nhưng tẩu thuốc cũ ấy không chỉ là một vật dụng mà còn là thứ đã theo ông lão bao tháng năm, có với ông lão bao kỷ niệm, bao hồi ức. Ông không thể vứt bỏ được những kỷ niệm đó. Và thế là, trước một đống tẩu thuốc mới, ông đã lựa chọn lặn xuống tìm lại chiếc tẩu thuốc cũ kia, tìm lại những kỷ niệm quý giá ấy.

Khoảnh khắc ông lão lặn xuống nước, âm thanh của phim ngưng lại tạo cảm giác hồi hộp, như thể không phải ông lão lặn xuống ngôi nhà của chính mình mà là lặn xuống một nơi nào đó xa xôi bí ẩn. Màu sắc từ tông màu nâu vàng cũ kỹ của căn nhà chuyển thành màu xanh xám của mặt nước, càng thêm trầm lạnh. Tầng dưới của căn nhà gần như trống rỗng, chỉ có cửa sổ và một vài đồ vật không rõ hình dạng. Màu sắc tạo cảm giác mọi thứ xung quanh lạnh lẽo không chút ấm áp. Chiếc tẩu thuốc cũ rơi ngay ở nắp hầm. Khoảnh khắc ông lão cúi xuống chạm vào tẩu thuốc, một ký ức thoáng qua hiện lên, thoáng qua nhưng không hề mờ nhạt. Đó là cảnh bà lão nhặt chiếc tẩu thuốc đưa cho ông. Hồi tưởng thoáng qua ấy khiến ông ngỡ ngàng. Khung cảnh trong ký ức bừng sáng như mở ra cánh cửa của quá khứ. Con người là sinh vật rất dễ thích nghi. Khi cô đơn quá lâu đến một lúc nào đó người ta sẽ trở nên bình thản mà tiếp nhận, dần dần không còn cảm giác cô đơn nữa. Phải chăng ông lão trong bộ phim này cũng như vậy? Cuộc sống lặp đi lặp lại đơn điệu quá lâu khiến ông không còn thấy cô đơn nữa? Nhưng đó chỉ là trạng thái tạm thời mà người ta sinh ra để thích nghi mà thôi. Trong sâu thẳm con người vẫn luôn khát khao mãnh liệt cái ấp áp họ từng có. Bởi vậy, hồi ức về chiếc tẩu thuốc cũ chỉ thoáng qua song lại là chìa khóa mở chiếc hòm ký ức, khiến ông lão bàng hoàng, thảng thốt mà quyết định lặn sâu xuống, tìm lại những kỷ niệm quý báu của mình.

Qua mỗi một tầng lại là những kỷ niệm mà ông lão trân trọng gìn giữ sâu trong tâm khảm. Thời gian không còn là thời gian tuyến tính nữa mà đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa hiện thực và hồi tưởng. Qua mỗi tầng lầu là hình ảnh của quá khứ lại ập đến. Tầng này là nơi ông chăm sóc người bạn đời khi đau ốm, tầng kia là nơi cả gia đình con cháu chụp ảnh chung, tầng đó là nơi cô con gái đưa người thương về ra mắt ông lão... Chiếc hòm ký ức được mở ra, bao kỷ niệm lần lượt ùa về: ngày cô con gái đi học, khi cô con gái còn nhỏ ngồi nghịch đồ chơi… Hình ảnh của quá khứ không theo tông màu đen trắng như thông thường mà lại sáng bừng theo tông màu vàng phớt ánh hồng. Sắc màu ấy tựa như ánh nắng ấm áp chiếu rọi vào tâm hồn cô đơn lạnh lẽo của ông lão. Đó là sắc màu của niềm vui, của hạnh phúc, của những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mỗi người. Âm thanh của phim lúc này cũng không còn sự hồi hộp, bí ẩn mà chỉ gợi lên sự ngọt ngào, yên bình. Hình ảnh ông lão lặn xuống lặn xuống mãi tựa như con người đang nhìn lại ký ức theo dòng chảy thời gian. Cuộc sống xô bồ khiến con người cứ luôn lao lên mà quên dành thời gian nhìn lại. Nhìn lại để ghi nhớ những kỷ niệm đẹp tươi, để tiếp thêm sức mạnh cho đoạn đường phía trước.

Những hình ảnh tươi sáng của quá khứ đan xen với màu sắc xanh xám của hiện thực tạo nên sự đối lập rõ ràng về thị giác. Từng căn phòng ấm cúng khi xưa nay chỉ còn là căn phòng trống hoác bị bao phủ trong làn nước xám xịt. Sự tương phản ấy càng làm nổi bật nỗi niềm quạnh quẽ của ông lão. Ký ức vẫn còn đó nhưng ông chỉ còn là kẻ đứng ngoài cuộc nhìn vào. Làn nước xanh xám tựa như dòng chảy khắc nghiệt của thời gian. Dù trước kia có từng đẹp đẽ thế nào thì thời gian qua đi cũng cuốn trôi tất cả. Cô con gái lớn lên lập gia đình, người bạn đời của ông cũng không đấu lại được sức mạnh của thời gian. Con người chỉ có thể khắc ghi những kỷ niệm ấy trong tâm trí để mà tưởng niệm, mà thương nhớ trong lòng.

Lặn mãi đến tầng cuối cùng và bước ra khỏi cửa, căn nhà của ông lão hiện lên với nhiều khối hình lập phương liên kết với nhau. Đó là một căn nhà rất cao nhưng càng lên cao càng nhỏ dần, tựa như hạnh phúc của ông lão, đã từng rất êm ấm song lại mất đi từng chút từng chút một, như càng lên cao càng lạnh vậy. Có ai từng tự hỏi vì sao ông lão đến tuổi này lại một thân một mình như vậy? Người bạn đời của ông đã ra đi song còn con cháu ông thì sao? Bộ phim nêu lên cái thực trạng của xã hội hiện đại khi con cháu không hiểu được nỗi khổ của những người già. Cái họ cần đâu phải ăn no mặc đủ, cái họ cần là một căn nhà đầy ắp tiếng cười, con cháu vui vầy. Dòng xoáy của cuộc sống hiện đại đã cuốn con người đi theo tiếng gọi của giá trị vật chất mà quên đi giá trị tinh thần truyền thống đáng quý này.

Dòng thời gian lại tiếp tục chảy ngược. Lần này là hồi ức về những kỷ niệm khi còn bé, ông lão bà lão biến thành cậu bé cô bé. Họ cùng chơi đùa quanh cây cổ thụ lớn, con đường làng với những ngôi nhà nhỏ. Các hình ảnh của quá khứ liên tục nối tiếp nhau khiến người xem quên đi hiện thực mà chìm đắm trong quá khứ của ông lão: hai người lớn lên, thành vợ chồng, cùng nhau đắp những viên gạch đầu tiên xây ngôi nhà nhỏ, ngày hoàn thành ngôi nhà nhỏ, họ cùng nhau chúc mừng cụng ly rượu vang… Ngôi nhà khi ấy chỉ có một tầng nhưng lại thật ấm áp, đầy ắp tiếng cười. Tiếng ly rượu cụng vào nhau cũng là lúc hồi tưởng kết thúc. Ông lão bừng tỉnh trở về hiện thực. Hình ảnh ông lão mặc bộ đồ lặn trong làn nước xám xịt vô thức đưa tay ra như đang cụng ly thật ngậm ngùi, xót xa!

Kết thúc phim là cảnh ông lão trở lại tầng cao nhất của ngôi nhà và ăn một bữa cơm. Vẫn là một bữa cơm một mình nhưng bất đồng là đối diện có thêm một chiếc ly. Ông lão vẫn làm động tác như năm xưa, lắc lắc ly rượu và cụng vào chiếc ly không người nâng ở đối diện… Một đoạn kết đơn giản nhưng lại làm người xem thấy được sự trân trọng nâng niu từng kỷ niệm của ông lão, đồng thời nảy sinh niềm thương cảm vô hạn: cảnh còn nhưng người không còn.

Chỉ với hơn 12 phút, bộ phim La Maison En Petits Cubes mang lại bao cảm xúc đặc biệt cho người xem, từ cô đơn quạnh quẽ đến ngọt ngào ấm áp rồi lại bồi hồi xúc động. Bộ phim chỉ với nét vẽ chân phương giản dị và tông màu chủ đạo là nâu vàng, xanh xám nhưng đã lột tả được nhiều khía cạnh cảm xúc. Ngoài ra âm nhạc khi ngọt ngào khi hồi hộp khi bồi hồi khi trầm lắng của phim cũng là điểm nhấn đẩy cảm xúc của người xem lên cao nhất. Không chỉ thế, phim còn mang thông điệp về nhiều mặt. Đó là tình yêu trong sáng, tươi đẹp, đầu bạc răng long đáng ngưỡng mộ của hai ông bà lão. Đó là lời cảnh báo con người đừng để bị cuốn vào cuộc sống xô bồ mà quên đi những giá trị cao đẹp. Đó là lời khuyên con người hãy biết dừng chân nhìn lại quá khứ, trân trọng những hồi ức, những kỷ niệm tươi đẹp của cuộc đời mình.


x