Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

[Review] ĐÔNG PHƯƠNG BẤT BẠI CHI TÁI THẾ TÌNH NHÂN

Tác giả: Du Vân
Thể loại: Đam mỹ, đồng nhân Tiếu ngạo giang hồ, xuyên không, công sủng thụ
Độ dài: 53 chương
Nhân vật chính: Dương Liên x Đông Phương Bất Bại
Nhân vật phụ: Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh, Nghi Lâm, Đồng Bách Hùng... 
và các nhân vật trong Tiếu ngạo giang hồ

1. Tóm tắt nội dung


Dương Liên từ thời hiện đại xuyên vào thân xác Dương Liên Đình ngay tại thời điểm Nhậm Ngã Hành, Thượng Quan Vân, Hướng Vấn Thiên, Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh cùng đi giết Đông Phương Bất Bại. Nhờ sự thay đổi của Dương Liên nên kết cục của câu chuyện biến đổi. Dương Liên kế thừa ký ức của Dương Liên Đình, đối với Đông Phương nhất kiến chung tình. Do sự thay đổi quá đột ngột, Đông Phương vẫn tự ti và không tin tưởng vào tình cảm này. Tiếp theo là quá trình Dương Liên dùng tình cảm chân thành và dịu dàng từng bước chữa lành trái tim tổn thương của Đông Phương Bất Bại...

2. Cảm nhận


Vẫn motip xuyên không như nhiều truyện đồng nhân ĐPBB khác nhưng Đông Phương mĩ nhân trong này đã biến thành người tự ti và có phần yếu đuối chứ không ngạo kiều như các truyện khác. Và tính cách này vẫn giữ đến cuối truyện (tất nhiên là có tiến bộ hơn chút), nên ai không thích mĩ nhân yếu đuối lúc nào cũng lo được lo mất thì khỏi đọc cho lẹ :v 

Truyện có miêu tả tranh đấu giang hồ song chỉ làm nền, vẫn chủ yếu là phát triển tình cảm. Tình tiết ngọt ngào, có ngược nhẹ. Lý do ngược thì cũng như nhiều truyện về ĐPBB khác: ĐP tự ti về khiếm khuyết thân thể, ghen, Dương Liên bị thương...

Tác giả phát triển tình cảm khá hợp lý, truyện rất ngọt nhưng không ngấy, tính cách nhân vật rõ ràng thống nhất. Điểm trừ là thân thế của Dương Liên không được giải quyết rõ ràng. Dương Liên là người tương lai (cho dù có ký ức của DLĐ đi nữa) thì cũng đâu thể thích ứng cuộc sống nhanh như vậy, tác giả có ý nói DL là kiếp sau của DLĐ nên mang áy náy và tình thương với Đông Phương, cái này còn tạm chấp nhận. Nói chung đây gần như là lỗi của hầu hết mấy bộ xuyên không ~

Tổng kết thì cốt truyện tuy không mới lạ nhưng cách viết khá cuốn hút, xây dựng nhân vật thống nhất, giọng văn ổn, edit khá. 

*Đánh giá truyện: 7.8/10
*Điểm edit: 8.5/10

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

[Review] CÁ HỒI - AHN DO-HYUN

1. Nội dung tóm tắt:


Đây là một câu truyện ngắn về cuộc hành trình bơi về cội nguồn đẻ trứng của đàn cá hồi. Trong hành trình ấy, cá hồi Ánh Bạc - một chú cá hồi lưng mang vảy bạc khác hẳn với các bạn của mình - đã trải qua nhiều biến cố và trưởng thành. Đó là những giây phút bị đồng loại xa lánh, việc cá hồi chị - người duy nhất quan tâm tới Ánh Bạc bị Ưng Biển bắt, sự xuất hiện của cô cá hồi Mắt Trong, câu chuyện về người bố dũng cảm, sự kiện vượt thác... Từ đó, Ánh Bạc tìm được lẽ sống của bản thân mình.

2. Cảm nhận:


Như những dòng giới thiệu ở bìa sau cuốn sách, Cá hồi quả thật như một câu chuyện ngụ ngôn vậy. Đọc Cá hồi trước hết là hiểu thêm về tập tính của một loài động vật. Cá hồi sinh ra từ sông rồi bơi ra biển lớn, đến mùa thu hằng năm chúng lại tụ thành từng đàn bơi ngược về nơi mình sinh ra để đẻ trứng và kết thúc cuộc đời của mình.
"Hằng năm từ khoảng tháng Chín đến tháng Mười, khi lá cây nhuộm đỏ mỹ lệ, cá hồi là một trong các loài cá bơi ngược từ biển về sông nơi chúng từng được sinh ra, chúng sẽ soạn cho mình chỗ đẻ trứng có đường kính khoảng 1m, sâu 50cm tại khúc sông cạn rải sẵn sỏi cuội và ít bị ảnh hưởng bởi lực dòng chảy rồi đẻ những quả trứng màu anh đào, số trứng ấy ước chừng vào khoảng 2000 - 3000 quả, cá hồi được thụ tinh ngay tại các khe sỏi sẽ mất ngót nghét 2 tháng để nở thành cá con, nhiệt độ nước khi ấy khoảng 7, 8 độ C là vừa phải."
Tập tính của loài cá này gợi lên sự tương đồng với cuộc đời con người. Con người ta đương lúc tuổi trẻ sẽ mạnh mẽ vươn lên trước sóng gió cuộc đời, ưa phiêu lưu mạo hiểm, muốn được mở mang tầm mắt, song khi đã cứng cáp rồi lại muốn trở về với cội nguồn, trở về quê hương. 

Hành trình trở về cội nguồn cũng chính là hành trình tìm kiếm lẽ sống của cá hồi Ánh Bạc. Tác giả Ahn Do-hyun đã nhân hóa tuyệt đối, dùng những suy nghĩ của cá hồi, của dòng Sông Xanh để nói đến cuộc đời của con người. Lẽ sống đâu phải cái gì to lớn, cũng chẳng ở xa xôi. Tồn tại một cách có ích chính là một lẽ sống. Cuộc nói chuyện giữa Ánh Bạc và bác Sông Xanh đã nói lên điều đó:
"- Vậy lẽ sống của bác là gì ạ?
- Thì chính là bản thân ta, đang tồn tại bây giờ, ở đây thôi. 
- Tồn tại chính là lẽ sống ư?
- Đúng vậy. Đang tồn tại, có nghĩa là trở thành chỗ dựa cho những thứ không phải chính mình đấy cháu.
...
- Vậy cháu cũng có thể trở thành chỗ dựa cho ai đấy phải không bác?
- Không cần đến cơ thể to lớn mới có thể trở thành chỗ dựa đâu. Chúng ta ai cũng có thể trở thành chỗ dựa cho ai đó khác."
Cũng thông qua câu chuyện về cá hồi Ánh Bạc, tác giả đã đưa ra quan điểm về cách nhìn nhận một sự việc, một con người. Đó là nhìn bằng con mắt tâm hồn.
"Vậy mới nói muốn hoàn toàn yêu và hiểu cá hồi cần phải có con mắt biết trông ngang để nhìn cá hồi một cách bình đẳng. Rồi cần đến một chút trí tưởng tượng nữa. Hay nói đơn giản thì chính là có con mắt tâm hồn. Con mắt khao khát nhìn những gì không thấy được, bởi vậy mà nhìn thấy được cả những điều không hiển hiện. Năng lực tưởng tượng chính là sức mạnh giúp chúng ta đi đến tận cùng thế gian này. Cũng như nụ hôn đầu của những người đang yêu sở dĩ nóng bỏng ngọt ngào là nhờ năng lực tưởng tượng ngay trước khi đôi môi hai người chạm nhau."
Con người được chia ra làm hai loại, một loại là người cầm cần câu và một loại là người cầm máy ảnh. Nếu như người cầm cần câu là những kẻ nhìn cá hồi bằng ánh mắt từ trên cao nhìn xuống thì người cầm máy ảnh là người có con mắt trông ngang nhìn cá hồi một cách bình đẳng. Và nhà văn vẫn luôn đặt hy vọng lên những con người cầm máy ảnh, hy vọng vào một thế hệ tương lai hòa mình vào thiên nhiên, giữ gìn thiên nhiên và thương hại cho những kẻ đang phá hoại thiên nhiên, bởi con người cũng làm một phần của tự nhiên.

Tôi đặc biệt ấn tượng với quá trình sinh sản của cá hồi. Đó là quá trình tử để sinh. Cá đực và cá cái đứng bên nhau há miệng phun ra trứng và tinh dịch rồi cùng chết đi. Đó là một cảnh tượng vô cùng trang nghiêm và xúc động mà chỉ thông qua những con chữ tôi cũng phần nào cảm nhận được. Dẫu biết đó là quy luật của tự nhiên của một giống loài nhưng sự hy sinh ấy vẫn lớn lao vô cùng.

Về hình thức, cuốn Cá hồi là một thành công nữa của NXB Nhã Nam. Bìa sách vừa thu hút vừa gợi sự bí ẩn, giấy cứng và được điểm tô tranh đen trắng giữa những dòng chữ gợi lên sự hài hòa về mặt thẩm mĩ và cảm xúc. Về nội dung, câu chuyện ngắn hơn trăm trang này mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, lời văn nhẹ nhàng tự nhiên và thu hút, giống như một truyện ngụ ngôn vậy.